Dưới quyền Đổng Trác Lã Bố

Tam anh chiến Lã Bố, hình trên hành lang Di Hòa ViênTam anh chiến Lã Bố

Đổng Trác yêu mến tin dùng Lã Bố, phong làm Kỵ Đô uý (騎都尉), ước thệ làm cha con. Ít lâu sau Bố lại được thăng làm Trung lang tướng (中郎將), tước Đô Đình hầu (都亭侯).

Nhờ sức khỏe hơn người, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, ông được ca tụng là Phi tướng (飛將).

Chống liên minh chư hầu

Năm 190, Kiều Mạo phát hịch kể tội Đổng Trác, hiệu triệu chư hầu chống Đổng. Chư hầu khắp nơi hưởng ứng, tụ tập, bầu Viên Thiệu làm minh chủ. Đổng Trác căm Viên Thiệu, bắt giết Viên Ngỗi cùng toàn gia tộc họ Viên ở Lạc Dương hơn 20 người.

Theo Hậu Hán thư của Phạm Diệp, Tôn Kiên mang quân tấn công Trác, Trác sai Lã Bố và Hồ Chẩn ra đánh. Lã Bố và Hồ Chẩn bất hòa, vì vậy bị Tôn Kiên đánh bại phải rút chạy về. Bộ tướng của Chẩn là Hoa Hùng bị quân Tôn Kiên bắt giết.

Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Lã Bố ra trận địch với quân chư hầu, đánh nhau cùng ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi trong trận Hổ Lao Quan. Ba người này thực ra không có mặt trong lực lượng chống Đổng Trác, do đó "Tam anh chiến Lã Bố" chỉ là một tuồng tích hư cấu.

Đổng Trác mang vua Hiến Đế bỏ Lạc Dương chạy vào Trường An, chỉ để bộ tướng Từ VinhNgưu Phụ ở lại chống giữ. Lã Bố đi theo Trác đến Trường An.

Bất hòa với Đổng Trác, cùng Vương Doãn mưu phản

Do Đổng Trác tàn bạo, giết nhiều người và kết oán với nhiều người nên những lúc xuất hành và nghỉ ngơi thường dùng Lã Bố làm cảnh vệ. Tuy nhiên, Trác quen tính thô lỗ và nóng nảy, có lần Lã Bố đứng hầu có chút không vừa ý bèn chộp lấy cái kích phóng vào ông. Lã Bố khỏe mạnh, gạt được cây kích đi, rồi tạ lỗi, Đổng Trác mới nguôi giận. Từ đó Lã Bố ngầm oán hận Trác.[3][4]

Đổng Trác đuổi Lã Bố

Trong những lần được giao bảo vệ Trung các, Lã Bố thừa cơ quan hệ tình ái với người hầu của Đổng Trác. Ông rất lo sợ bị phát hiện.[3][4]

Trong hàng ngũ các đại thần nhà Hán, Lã Bố được Tư đồ Vương Doãn - người đồng hương Tinh châu - quý mến. Ông tới nhà Vương Doãn thuật việc mình bị Đổng Trác phi kích. Vương Doãn vốn đang cùng Bộc xạ Sĩ Tôn Thụy mưu giết Trác, thấy Lã Bố như vậy bèn bàn mưu cùng hành sự. Ban đầu Lã Bố còn do dự vì ông đã nhận Đổng Trác làm cha nuôi, nhưng vì Vương Doãn lựa lời thuyết phục nên ông nghe theo.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung ghép những tình tiết này vào một, kể rằng Lã Bố bị Đổng Trác rượt đuổi và phóng kích vì bị bắt quả tang tình tự với Điêu Thuyền – ái thiếp của Trác, vốn là con nuôi trong nhà Vương Doãn. Sử sách không nhắc tới một nàng Điêu Thuyền nào giữa 3 người Vương Doãn – Lã Bố - Đổng Trác. Theo sử gia Lê Đông Phương: Hai chữ điêu thuyền vốn là tên một chức quan trong cung thời Hán. Đây không phải là tên người. Khi Đổng Trác vào cung vua hoành hành đã bắt nhiều phụ nữ mua vui, nên một a hoàn vốn là điêu thuyền của triều đình có thể có trong nhà Đổng Trác chứ không thể có trong nhà Vương Doãn. Nhân vật Điêu Thuyền có trong nhà Vương Doãn hay không điều đó không quan trọng, nhưng Lã Bố đã giết Đổng Trác vì có sự xúi giục của Vương Doãn.[4]

Ám sát Đổng Trác

Vương Doãn sai Sĩ Tôn Thụy thay mặt Hán Hiến Đế viết chiếu thư sai Lã Bố giết Đổng Trác.

Tháng 4 âm lịch năm 192, Đổng Trác vào cung yết kiến vua Hiến Đế. Lã Bố trước đã lệnh cho thuộc tướng Lý Túc phục võ sĩ ở cửa Bắc Dịch chờ đợi, còn bản thân ông vẫn theo hộ vệ Đổng Trác. Khi Trác vừa vào, Lý Túc đâm luôn, nhưng Trác mặc giáp nên chỉ bị thương ngã ra đất. Trác chưa biết Lã Bố phản mình nên gọi Lã Bố đến cứu thì Bố chạy thẳng tới đâm chết Trác.

Sau đó Lã Bố rút chiếu thư ra đọc, tuyên bố mình được lệnh của vua để giết Trác, vì vậy tướng sĩ dưới quyền Trác đều không dám chống lại.